Chi tiết tin

  • Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và sử dụng con dấu [26-07-2016]

    Ngày 01 tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.

    Theo đó, Nghị định có 4 chương, 28 điều.

    Chương I Quy định chung có 6 điều; từ Điều 1 – 6: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc quản lý và sử dụng con dấu; Điều kiện sử dụng con dấu; Các hành vi bị nghiêm cấm.

    Chương II Quy định cụ thể, có 3 mục, 12 điều:

    Mục 1. Con dấu có hình quốc huy, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng, có 2 điều; từ Điều 7 – 8: Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sử dụng con dấu có hình Quốc huy; Cơ quan, tổ chức sử dụng con dấu có hình biểu tượng hoặc con dấu không có hình biểu tượng

    Mục 2. Con dấu của cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, có 02 điều; từ Điều 9 – 10: Con dấu cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài; Con dấu tổ chức nước ngoài không có chức năng ngoại giao

    Mục 3. Đăng ký mẫu con dấu; thu hồi, hủy con dấu và hủy giá trị sử dụng con dấu, có 08 điều, từ Điều 11 – 18: Trình tự, thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; Cơ quan đăng ký mẫu con dấu; Hồ sơ đăng ký mẫu con dấu mới; Hồ sơ đăng ký dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; Hồ sơ đề nghị đăng ký lại mẫu con dấu; Hồ sơ đề nghị đăng ký thêm con dấu; Hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; Giao nộp, thu hồi, hủy con dấu và hủy giá trị sử dụng con dấu.

    Chương III Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng con dấu, có 06 điều; từ Điều 19 – 25: Trách nhiệm của Bộ Công an; Trách nhiệm của cơ quan đăng ký mẫu con dấu; Trách nhiệm của các bộ có liên quan; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động đối với cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;  Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu; Kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu.

    Chương IV Điều khoản thi hành, có 03 điều; từ Điều 26 – 28: Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp; Trách nhiệm thi hành.

    Trong đó, một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc lưu trữ con dấu, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu và hiệu lực thi hành Nghị định như sau:

    1. Tại Khoản 1, Điều 21 Quy định trường hợp giữ lại con đấu đã hết hạn sử dụng:

    Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép giữ lại con dấu đã hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu lịch sử.

    2. Tại Điều 24. Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu:

    - Chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu và ban hành quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.

    - Đăng ký mẫu con dấu và thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng.

    - Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn của cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

    - Giao nộp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu thuộc các trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

    - Con dấu phải được quản lý chặt chẽ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức; chỉ chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới được quyết định việc mang con dấu ra ngoài trụ sở để sử dụng giải quyết công việc.

    - Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật.

    - Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bị mất con dấu, trong thời hạn 02 ngày kể từ khi phát hiện mất con dấu thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.

    - Cơ quan, tổ chức bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu theo quy định.

    - Con dấu đang sử dụng bị biến dạng, mòn, hỏng hoặc có thay đổi tổ chức, đổi tên thì phải thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu, nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

    - Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu. Trường hợp bị hỏng phải thực hiện thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

    - Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi cần phải giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng để phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu lịch sử phải có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    - Việc in mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để phục vụ công tác phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đó.

    3. Tại Khoản 1, 2 Điều 26, Khoản 1, 2 Điều 27. Quy định hiệu lực thi hành và Quy định chuyển tiếp

    - Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

    - Nghị định này thay thế Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu và Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP.

    - Con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu theo quy định tại Nghị định số 58/2001/NĐ-CP mà con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước vẫn phù hợp với quy định tại Nghị định này thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu; cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

    - Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước đang thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu theo quy định tại Nghị định số 58/2001/NĐ-CP khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2001/NĐ-CP./.

Lượt xem: 11784

Tin khác