Chi tiết tin

  • Quy định về hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục tại Trường tiểu học [29-10-2020]

    Ngày 04 tháng 9 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký phát hành Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học, trong đó tại Điều 21 của Điều lệ quy định về hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục tại Trường tiểu học.

    Tại Điều 2 của Thông tư quy định Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 10 năm 2020. Thông tư này thay thế Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học và Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sửa đổi, bổ sung Điều 40, bổ sung thêm Điều 40a của Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học.

    Liên quan đến tổ chức bộ máy, thẩm quyền quản lý và việc quản lý hồ sơ tải liệu  của Trường tiểu học được quy định tại các điều của Điều lệ được  Ban hành kèm theo Thông tư:

    Tại Điều 4 quy định loại hình trường, lớp tiểu học:

    1. Trường tiểu học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.

    a) Trường tiểu học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu.

    b) Trường tiểu học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

    2. Lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt gồm:

    a) Lớp tiểu học trong trường phổ thông có nhiều cấp học.

    b) Lớp tiểu học trong trường phổ thông dân tộc bán trú.

    c) Lớp tiểu học trong cơ sở giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật.

    d) Lớp tiểu học trong trường giáo dưỡng.

    3. Cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học: trung tâm học tập cộng đồng; lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật.

    Điều 5 quy định tên trường, biển tên trường       

    1. Tên trường gồm: trường tiểu học và tên riêng của trường. Tên trường được ghi trong quyết định thành lập trường, con dấu, biển tên trường và các giấy tờ giao dịch.

    2. Biển tên trường:

    a) Góc trên bên trái:

    - Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) và tên đơn vị cấp huyện;

    - Dòng thứ hai: Phòng giáo dục và đào tạo.

    b) Ở giữa: ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 của Điều này. Đối với điểm trường, tên điểm trường ghi dưới tên trường.

    c) Dưới cùng: ghi địa chỉ, trang website (nếu có), địa chỉ email và số điện thoại của trường.

    3. Tên trường và biển tên trường của trường chuyên biệt có quy chế về tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

    Điều 6 quy định phân cấp quản lý

    1. Trường tiểu học do Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thành lập và quản lý. Các lớp tiểu học, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư này do cấp có thẩm quyền thành lập quản lý.

    2. Phòng giáo dục và đào tạo giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các loại hình trường, lớp tiểu học trên địa bàn.

    Điều 9 quy định cơ cấu tổ chức của trường tiểu học

    Cơ cấu tổ chức trường tiểu học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học sinh.

    Điều 15 quy định Tổ văn phòng

    1. Mỗi trường tiểu học có một tổ văn phòng gồm nhân viên thực hiện các công tác văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học và các công tác khác. Tổ văn phòng có tổ trưởng, tổ phó theo quy định.

    2. Tổ văn phòng có những nhiệm vụ sau:

    a) Căn cứ kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm phục vụ cho việc thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường.

    b) Giúp hiệu trưởng thực hiện công tác văn thư, nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản trong nhà trường và hạch toán kế toán, thống kê theo chế độ quy định.

    c) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ và của nhà trường.

    d) Tham gia đánh giá, xếp loại viên chức, người lao động; giới thiệu tổ trưởng, tổ phó.

    đ) Quản lý, lưu trữ hồ sơ của trường.

    e) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi hiệu trưởng phân công.

    3. Tổ văn phòng sinh hoạt ít nhất một tháng một lần hoặc khi có yêu cầu của công việc.

    Điều 21 quy định hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục

    1. Đối với nhà trường

    a) Sổ đăng bộ.

    b) Học bạ.

    c) Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

    d) Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường và kế hoạch hoạt động giáo dục theo năm học.

    đ) Sổ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên.

    e) Hồ sơ phổ cập giáo dục.

    f) Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính.

    g) Sổ quản lý các văn bản.

    h) Hồ sơ giáo dục học sinh khuyết tật (nếu có học sinh khuyết tật học tập).

    2. Đối với giáo viên

    a) Kế hoạch bài dạy.

    b) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh.

    c) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).

    d) Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

    3. Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng: Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của tổ.

    4. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.

Lượt xem: 6425

Tin khác