Chi tiết tin

  • Quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước [19-07-2018]

    Ngày 12 tháng 7 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

    Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 9 năm 2018 và có bố cục 5 chương, 22 điều.

    Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1: Quyết định này quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Quyết định này không áp dụng đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

    Về đối tượng áp dụng tại Điều 2: Quyết định này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc (sau đây gọi chung là bộ, ngành, địa phương); Các cơ quan, tổ chức không thuộc Khoản 1 Điều này liên quan đến hoạt động gửi, nhận văn bản với các bộ, ngành, địa phương, nếu đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để áp dụng, được thực hiện theo quy định tại Quyết định này.

    Một số từ ngữ được giải thích tại Điều 3, trong đó: Văn bản điện tử là văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu, theo thể thức định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, được tạo lập hoặc được số hóa từ văn bản giấy; Gửi, nhận văn bản điện tử là việc cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước gửi, nhận văn bản điện tử qua các hệ thống quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông với nhau bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ.

    Về giá trị pháp lý của văn bản điện tử tại Điều 4: Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy;  Văn bản điện tử không thuộc Khoản 1 Điều này được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị để biết, tham khảo, không thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.

    Tại Điều 5 quy định về nguyên tắc gửi, nhận văn bản điện tử

    Điều 6 quy định về yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử, có nội dung quy định văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có)…

    Các loại văn bản điện tử và đầu mối gửi, nhận văn bản điện tử quy định tại Điều 7

    1. Tất cả các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trừ trường hợp Bên gửi hoặc Bên nhận chưa đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn thông tin, giải pháp kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử.

    2. Các loại văn bản điện tử gửi kèm văn bản giấy

    a) Văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ;

    b) Văn bản theo Danh mục do người đứng đầu bộ, ngành, địa phương quyết định ngoài các văn bản theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này và theo quy định của pháp luật.

    3. Đầu mối cơ quan đơn vị gửi, nhận văn bản điện tử

    a) Văn phòng Chính phủ gửi, nhận văn bản điện tử thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và theo Quy chế làm việc, Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ;

    b) Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi, nhận văn bản thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và theo Quy chế làm việc, Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

    c) Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi, nhận văn bản điện tử thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo Quy chế làm việc, Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Từ Điều 8 đến Điều 11 quy định các nội dung: Gửi văn bản điện tử; Nhận văn bản điện tử; Nội dung và yêu cầu thông tin của văn bản điện tử; Tổng hợp thông tin, tình hình gửi, nhận văn bản điện tử

    Điều 12 đến Điều 14 quy định việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật; Bảo đảm an toàn thông tin; Bảo đảm giải pháp kết nối, liên thông.

    Điều 15 đến Điều 19 quy định trách nhiệm của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trách nhiệm của Bộ Nội vụ; Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ và trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương.

    Điều 20 đến Điều 22 quy định: Kinh phí thực hiện; Quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành./.

    Tệp đính kèm

Lượt xem: 8283

Tin khác