Chi tiết tin

  • Tỉnh Bình Phước khai mạc triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử: “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954 - 1975” [30-09-2020]

    Sáng ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại Di lịch Lịch sử quốc gia Tượng đài Chiến thắng Đồng Xoài, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức long trọng khai mạc triển lãm “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954 - 1975”.

    Triển lãm giới thiệu đến công chúng khoảng 300 tài liệu và nhiều hình ảnh từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Bảo tàng tỉnh và Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh.

    Triển lãm được trình bày bố cục thành 3 phần:

    Phần 1: Tổ chức chiến trường Bình Phước 1954-1975.

    Phần 2: Bình Phước kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Phần 3: Đảng bộ và nhân dân Bình Phước xây dựng quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

    Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân tỉnh đến tham dự và phát biểu khai mạc triển lãm. Phát biểu có đoạn nêu:

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Bình Phước là một trong những địa bàn diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Mặc dù vậy, Bình Phước vừa được xem là đại bản doanh, với cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; vừa là đầu mối, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Những chiến thắng của quân và dân Bình Phước đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam với các chiến công chói lọi và những địa danh không thể nào quên. Trong thời điểm quyết định của cuộc chiến (1974-1975), được sự chi viện của Trung ương và Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn huyện Bù Đăng vào ngày 14/12/1974; ngày 26/12/1974 giải phóng Đồng Xoài; ngày 31/12/1974 giải phóng Chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 06/01/1975 tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ Phước Long. Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là một đòn trinh sát chiến lược, tạo tiền đề cho Trung ương hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất. Ngày 23/3/1975 trung tâm tỉnh lỵ An Lộc (Bình Long) được giải phóng. Ngày 02/4/1975, huyện Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long hoàn toàn giải phóng, góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn quân chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

    Cũng trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực cao của tập thể công chức, viên chức Sở Nội vụ nói chung và Chi cục Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ nói riêng, mặc dù phải thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua đã tích cực nỗ lực thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thu thập được một khối tài liệu có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.

    Đồng thời chỉ đạo giao Sở Nội vụ, tiếp tục làm tốt công tác sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ lịch sử liên quan đến lịch sử của tỉnh hiện đang được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; Lưu trữ lịch sử các tỉnh bạn và các nguồn tài liệu khác nhằm bổ sung đầy đủ tài liệu vào Phông lưu trữ tỉnh Bình Phước. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ Sở Nội vụ trong việc sưu tầm, thu thập tài liệu; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình đến tham quan, tìm hiểu trong thời gian diễn ra triển lãm.

    Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” tiếp tục mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 8 tháng 10 năm 2020.

    Ảnh: Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân tỉnh phát biểu khai mạc triển lãm

    Ảnh: Khách tham quan sau khai mạc

Lượt xem: 3122

Tin khác