Chi tiết tin

  • Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý [04-10-2020]

    Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2020.

    Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020. Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

    Tại Điều 5, 6 và Điều 21 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư quy định tên trường, biển tên trường; Phân cấp quản lý; Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường. Cụ thể:

    Điều 5. Tên trường, biển tên trường

    1. Việc đặt tên trường được quy định như sau:

    a) Tên trường: Trường trung học cơ sở (hoặc: trung học phổ thông; tiểu học và trung học cơ sở; trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trung học phổ thông chuyên) + tên riêng của trường.

    b) Việc đặt tên riêng của trường phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

    2. Tên trường được ghi trên quyết định thành lập trường, con dấu của trường, biển tên trường và giấy tờ giao dịch.

    3. Biển tên trường ghi những nội dung sau:

    a) Góc phía trên, bên trái:

    - Đối với trường trung học có cấp học cao nhất là cấp trung học cơ sở:

    Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và tên huyện;

    Dòng thứ hai: Phòng Giáo dục và Đào tạo.

    - Đối với trường trung học có cấp trung học phổ thông:

    Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và tên tỉnh;

    Dòng thứ hai: Sở Giáo dục và Đào tạo.

    b) Ở giữa ghi tên trường theo quy định tại khoản 1 Điều này.

    c) Dưới cùng là địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của nhà trường.

    4. Tên trường và biển tên trường của trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

    Điều 6. Phân cấp quản lý

    1. Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

    2. Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có liên quan của trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.

    3. Trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện phân cấp quản lý theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

    Điều 21. Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục

    Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm:

    1. Đối với nhà trường:

    a) Sổ đăng bộ.

    b) Học bạ học sinh.

    c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học).

    d) Hồ sơ giáo dục đối với học sinh khuyết tật (nếu có).

    đ) Kế hoạch giáo dục của nhà trường (theo năm học).

    e) Sổ ghi đầu bài.

    g) Số quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

    h) Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến.

    i)  Hồ sơ quản lý thiết bị giáo dục, thư viện.

    k) Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính.

    l)  Hồ sơ kiểm tra, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên.

    m) Hồ sơ theo dõi sức khoẻ học sinh.

    n)  Hồ sơ khen thưởng, kỷ luật học sinh.

    o)  Hồ sơ phổ cập giáo dục (đối với cấp trung học cơ sở).

    2. Đối với tổ chuyên môn:

    a) Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

    b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

    3. Đối với giáo viên:

    a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

    b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

    c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

    d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

    4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    5. Việc bảo quản hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Tệp đính kèm

Lượt xem: 2840

Tin khác