Chi tiết tin

  • UBND TP HCM ban hành Kế hoạch phát triển ngành Văn thư, Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 [20-10-2017]

    Ngày 17 tháng 10 năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký và phát hành Quyết định số 5484/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch phát triển ngành Văn thư, Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.

    Kế hoạch phát triển ngành Văn thư, Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với nội dung chủ yếu:

    1. Thực trạng công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn Thành phố: Trong những năm qua, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố đã có sự chuyển biến về nhận thức, cách nhìn mới về tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ, góp phần khẳng định vị trí, vai trò và sự tự tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ. Tuy nhiên, công tác quản lý tài liệu lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức còn nhiều hạn chế nhất là việc lập hồ sơ, giao nộp tài liệu vào Lưu trữ cơ quan chưa được chú trọng hồ sơ, tài liệu tồn đọng và mất mát, hư hỏng tài liệu có giá trị.

    2. Quan điểm, mục tiêu phát triển ngành Văn thư, Lưu trư Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025

    a) Xây dựng ngành Văn thư, Lưu trữ Thành phố thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển của Thành phố, ngành Nội vụ Thành phố; tạo cơ sở vững chắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cao trong hoạt động văn thư, lưu trữ tại địa phương.

    b) Định hướng sự phát triển của công tác văn thư, lưu trữ tại Thành phố đến năm 2025, nhằm góp phần cung cấp thông tin làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức xây dựng kế hoạch, cân đối, phân bổ các nguồn lực cho quá trình đầu tư phát triển đúng định hướng của Thành phố, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

    3. Nội dung chủ yếu phát triển ngành Văn thư, Lưu trư đến năm 2025

    a) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kỹ thuật về công tác văn thư, lưu trữ nhằm điều chỉnh công tác quản lý thống nhất hoạt động văn thư, lưu trữ trong tình hình mới.

    b) Dự báo cáo chỉ tiêu ngành văn thư, lưu trữ

    c) Về tổ chức bộ máy và nhân sự

    d) Hệ thống cơ sở vật chất

    4. Giải pháp phát triển

    a) Đổi mới quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ.

    b) Đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của ngành Văn thư, Lưu trữ.

    c) Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác văn thư, lưu trữ.

    d) Đảm bảo cơ sở vật chất cho phát triển ngành Văn thư, Lưu trữ.

    đ) Đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết và hợp tác về hoạt động văn thư, lưu trữ.

    e) Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ lưu trữ.

    5. Tổ chức thực hiện

    a) Sở Nội vụ: Tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thực hiện Quyết định ban hành Kế hoạch phát triển ngành Văn thư, Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Thành phố; chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt các đề án, dự án để đảm bảo nhu cầu về cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác văn thư, lưu trữ theo nội dung của Kế hoạch phát triển ngành Văn thư, Lưu trữ Thành phố; xây dựng hoàn thành công trình Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố; tổ chức thực hiện hoạt động tốt chức năng lưu trữ lịch sử của Thành phố.

    b) Sở Tài chính: Thẩm định, tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí cho công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức theo kế hoạch, đề án được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí phục vụ công tác văn thư, lưu trữ theo chức năng, nhiệm vụ và trong phạm vi quản lý.

    c) Các sở, ngành Thành phố:

    - Triển khai thực hiện các nội dung phát triển ngành phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, tổ chức mình: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ hàng năm trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, hướng dẫn của Sở Nội vụ.

    - Chỉ đạo thực hiện công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, đơn vị trực thuộc (nếu có); đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, lưu trữ; chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mở rộng phòng, kho đủ diện tích và mua sắm các trang thiết bị để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu, phục vụ cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ.

    - Bố trí, bổ sung nhân sự làm công tác văn thư, lưu trữ, đảm bảo đúng chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, đơn vị.

    - Đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí chỉnh lý tài liệu tồn đọng.

    - Thực hiện lập hồ sơ công việc, giao nộp hồ sơ, tài liệu đến hạn nộp lưu vào Lưu trữ cơ quan đúng quy định; tổ chức chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu; thực hiện việc giao nộp hồ sơ, tài liệu lưu trữ có thời gian bảo quản vĩnh viễn vào Lưu trữ lịch sử; thực hiện công tác bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ và tổ chức khai thác sử dụng hiệu quả tài liệu lưu trữ.

    - Xây dựng dự toán và bố trí kinh phí cho hoạt động văn thư, lưu trữ cơ quan, đơn vị hàng năm.

    d) Ủy ban nhân dân quận, huyện

    - Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển ngành Văn thư - Lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trực thuộc và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trên địa bàn theo quy định; đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra về văn thư, lưu trữ ở địa phương.

    - Phòng Nội vụ quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo việc thực hiện các nội dung phát triển ngành Văn thư - Lưu trữ từ nay đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; hướng dẫn thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, lưu trữ; chú trọng nội dung lập hồ sơ công việc; xây dựng dự toán, bố trí kinh phí cho hoạt động văn thư, lưu trữ hàng năm; bố trí, cải tạo, nâng cấp mở rộng kho (phòng) để bảo quản, bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ, thu thập hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử Thành phố./.

    Quyết định số 5484/QĐ-UBND

    Phạm Huy Thấm, Phó Trưởng phòng HC-TH

Lượt xem: 1003564

Tin khác