Chi tiết tin

  • Báo cáo kết quả tổ chức học tập kinh nghiệm về công tác văn thư, lưu trữ năm 2019 [10-05-2019]

    Ngày 07 tháng 5 năm 2019, Chi cục Văn thư - Lưu trữ phát hành Báo cáo số 96/BC-CCVTLT về kết quả tổ chức học tập kinh nghiệm về công tác văn thư, lưu trữ năm 2019.

    Báo cáo có nội dung chủ yếu như sau:

    1. Công tác chuẩn bị

    Sau khi xây dựng, ban hành Kế hoạch tổ chức học tập kinh nghiệm công tác văn thư, lưu trữ (VTLT) năm 2019, Chi cục Văn thư - Lưu trữ thông báo đến các cơ quan, tổ chức đăng ký tham gia học tập kinh nghiệm về công tác VTLT.

    Công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo như: Tổng hợp danh sách đăng ký, liên hệ các Công ty Du lịch tham khảo thiết kế chương trình học tập; trao đổi về nội dung chương trình và địa điểm nơi đến làm việc với tỉnh bạn; chuẩn bị nội dung hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức tham gia chuyến đi; thành lập Ban Tổ chức, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên cùng phối hợp thực hiện.

    2. Kết quả thực hiện

    a) Về đối tượng, thành phần của đoàn: Tổng số 40 công chức, viên chức của 27 cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố, bao gồm:

    - Đối với Chi cục Văn thư - Lưu trữ Thành phố: Lãnh đạo Chi cục, Trưởng phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử và chuyên viên các phòng chuyên môn, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thuộc Chi cục.

    - Các cơ quan, tổ chức cử công chức, viên chức, nhân viên làm công tác văn thư, lưu trữ tham gia gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, Cục Thuế Thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố, Ủy ban về Người Việt Nam ở ngước ngoài, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP, Trường Cao đẳng Kinh tế TP, Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH MTV, Phòng Nội vụ Quận 1, 7, 8, 12, Thủ Đức, Cần Giờ, Trung tâm Văn hóa Quận 8, Trung tâm Tin học và số hóa tài liệu, Ủy ban nhân dân xã Thạnh An - huyện Cần Giờ, Đảng Ủy xã Tân Thới Nhì - huyện Hóc Môn, UBND phường Linh Tây, Linh Xuân, Linh Chiểu, Hiệp Bình Chánh - Quận Thủ Đức.

    b) Thời gian học tập: từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 4 năm 2019.

    c) Nội dung học tập:

    Trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ văn thư, lưu trữ, tham quan kho lưu trữ tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Lâm Đồng.

    3. Nội dung trao đổi công tác VTLT

    a) Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2

    - Trao đổi về công tác lập hồ sơ thu thập hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, công tác chỉnh lý tài liệu tồn đọng. Những khó khăn trong công tác VTLT tại Cơ sở.

    - Tham quan Kho Lưu trữ.

    b) Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

    - Trao đổi, học tập công tác bảo quản, công tác bồi nền phục chế tài liệu; công tác thu thập tài liệu lưu trữ; chỉnh lý tài liệu tồn đọng; thu thập hồ sơ, tài liệu Lưu trữ lịch sử.

     - Tham quan thực tế Kho Lưu trữ tài liệu Mộc bản.

    c) Tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Lâm Đồng

    - Trao đổi công tác quản lý nhà nước về VTLT; chỉnh lý tài liệu tồn đọng; thu thập hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử của Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Lâm Đồng.

     - Tham quan thực tế công tác chỉnh lý tài liệu lưu trữ.

    4. Kết quả tổ chức học tập kinh nghiệm

    a) Các điểm nổi bật của cơ quan, tổ chức nơi đến

    Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2: Là đơn vị sự nghiệp thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong, có địa bàn trú đóng xa Thành phố nhưng lãnh đạo rất quan tâm chỉ đạo công tác VTLT, cử chuyên viên chuyên trách làm công tác VTLT, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác VTLT, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, quy chế thực hiện công tác VTLT đưa công tác VTLT tại đơn vị vào nền nếp, ổn định.

    Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV: Lưu trữ được 34.000 Mộc bản, là Mộc bản Hoàng Triều được khắc từ năm 1697, tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn là tư liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, nơi bảo quản di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, xã hội thời Nguyễn có nhiều bộ sách về lịch sử Việt Nam từ thời vua Hùng và nhiều văn bản quan trọng của triều Nguyễn; nguồn sử liệu phong phú và rất đáng tin cậy về đời sống chính trị; là nơi lưu giữ, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, địa chỉ lưu trữ và bảo quản có uy tín; 1 ngày cao điểm có thể đón 3.000 lượt khách đến tham quan, đối tượng nhiều nhất là học sinh, sinh viên từ các nơi đến tham quan, học tập.

    Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Lâm Đồng:

    - Công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ được quan tâm chỉ đạo sâu sát như:

    + Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí 01 biên chế sự nghiệp là viên chức quản lý kho lưu trữ tại mỗi huyện.

    + Công tác tập huấn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ tại đơn vị thực hiện chuyên sâu, có phân công công chức hướng dẫn đến từng phòng, ban; thời gian tập huấn tại mỗi đơn vị là 2 ngày, chú trọng đến công tác thực hành. Hàng năm, có thông báo tổ chức các lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ VTLT nhằm chuẩn hóa kiến thức chuyên môn đối với người làm công tác chưa đúng chuyên ngành VTLT; học phí lớp bồi dưỡng do học viên và đơn vị học viên công tác tự túc.

    + Về kiểm tra công tác VTLT: Chi cục phối hợp Phòng Cải cách hành chính xây dựng kế hoạch kiểm tra tại cơ quan, tổ chức; kết quả việc phối hợp kiểm tra có hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí hơn so với việc kiểm tra riêng từng lĩnh vực.

    + Về Đề án chỉnh lý tài liệu tồn đọng: Chi cục tham mưu Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định thầu đối với Trung tâm Lưu trữ lịch sử thực hiện Đề án.

    b) Kết quả học tập

    - Công tác liên hệ, phối hợp với tỉnh bạn chặt chẽ; trao đổi, thông tin kịp thời.

    - Các cơ quan, tổ chức nơi đến chuẩn bị nội dung báo cáo, địa điểm; đón tiếp nhiệt tình, chu đáo và trang trọng đã tạo mối quan hệ gắn bó, thân tình trong công tác.

    - Báo cáo của cơ quan, tổ chức nơi đến về kết quả công tác quản lý, hoạt động VTLT thiết thực gắn liền với công tác hàng ngày của công chức, viên chức trong đoàn. Qua hội nghị trao đổi với cơ quan, tổ chức nơi đến, công chức, viên chức của đoàn được biết thêm nhiều về kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động thu thập và chỉnh lý tài liệu của Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Lâm Đồng.

    - Kết quả học tập đã góp phần nâng cao nhận nhận thức cho công chức, viên chức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác VTLT và vị thế của ngành; là cơ hội để người làm công tác VTLT giao lưu, tạo mối quan hệ gắn bó, góp phần xây dựng hình ảnh tự tin của người làm công tác VTLT.

    - Được tiếp cận Kho Lưu trữ bảo quản tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn là khối tài liệu lưu trữ di sản quý giá được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

    4. Nhận xét

    - Được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Nội vụ, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức cử công chức, viên chức tham gia chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Số lượng người tham dự đông đủ từ lúc đăng ký đến kết thúc chuyến đi.

    - Các thành viên tham gia chuyến học tập nhiệt tình, trao đổi, chấp hành tốt nội quy, tạo mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong đoàn.

    - Với tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tạo không khí vui tươi, thoải mái trong thời gian học tập và kết thúc chuyến đi an toàn.

    - Chuyến đi được các thành viên trong đoàn đánh giá là tổ chức thành công và mong muốn được tham gia nhiều chuyến đi như thế.

    - Các thành viên đoàn đã gặt hái, thu thoạch được nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ trong công tác lưu trữ./.

     

    Mỹ Giang, Chuyên viên Phòng QLVTLT

Lượt xem: 8290

Tin khác