Chi tiết hỏi đáp

  • Người hỏi:  Võ Tiến Anh

    Email:  anhvt@ueh.edu.vn

    Ngày hỏi:  24-01-2018

    Câu hỏi:  
    Kính gửi Quý Anh/Chị, Em hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Anh/Chị vui lòng cho em hỏi có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa các loại văn bản hành chính không ạ? Vì hiện tại, em đang chưa rõ khi nào cần ban hành Quy chế, quy định hay Hướng dẫn. Rất mong nhận được hồi âm của Quý Anh/Chị. Trân trọng, Em. Tiến Anh.

    Ngày trả lời:  24-01-2018

    Trả lời:  

    Chào bạn Tiến Anh!

    Liên quan đến nội dung bạn hỏi, chúng tôi xin trao đổi như sau:

    Về thể loại, tên loại và thành phần thể thức văn bản hành chính được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 1 Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

    1. Đối với văn bản hành chính, có 32 thể loại văn bản và 10 thành phần thể thức cơ bản

    a) Thể loại và tên loại văn bản hành chính:

    Nghị quyết (cá biệt), Quyết định (cá biệt), Chỉ thị, Quy chế, Quy định, Thông cáo, Thông báo, Hướng dẫn, Chương trình, Kế hoạch, Phương án, Đề án, Dự án, Báo cáo, Biên bản, Tờ trình, Hợp đồng, Công văn, Công điện, Bản ghi nhớ, Bản cam kết, Bản thỏa thuận, Giấy chứng nhận, Giấy ủy quyền, Giấy mời, Giấy giới thiệu, Giấy nghỉ phép, Giấy đi đường, Giấy biên nhận hồ sơ, Phiếu gửi, Phiếu chuyển, Thư công.

    b) Thành phần thể thức của văn bản hành chính:

    Quốc hiệu; Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản; Số ký hiệu của văn bản; Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản; Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản; Nội dung văn bản; Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền; Dấu của cơ quan, tổ chức; Nơi nhận; Dấu chỉ mức độ khẩn, mật (đối với những văn bản loại khẩn, mật).

    2. Việc lựa chọn, xác định hình thức, thể loại, tên loại văn bản ban hành

    Tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP quy định quy trình cơ bản và trách nhiệm trong soạn thảo văn bản. Trong đó, đơn vị, cá nhân soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất, tham mưu: Xác định hình thức, nội dung,.. và thực hiện việc soạn thảo.

    Như vậy, việc lựa chọn và xác định loại hình, tên loại văn bản trong hệ thống văn bản hành chính để ban hành sẽ do thủ trưởng cơ quan chỉ đạo và đơn vị, cá nhân được phân công tham mưu đề xuất.

    Tuy nhiên, để việc ban hành văn bản hành chính có thể thức phù hợp, nội dung chính xác bạn cần nghiên cứu về cơ sở pháp lý, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản, tính chất, nội dung của văn bản để xác định và lựa chọn thể loại, tên loại văn bản phù hợp để ban hành.

    Khi bạn đã xác định được thể loại, tên loại văn bản hành chính cụ thể và tiến hành soạn thảo thì bạn cần áp dụng hệ thống mẫu văn bản ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV có các thành phần thể thức tương ứng phù hợp cho từng thể loại văn bản.

    Một số ý kiến trao đổi đến bạn, nếu còn nội dung nào chưa rõ bạn có thể tiếp tục đặt câu hỏi gửi đến chúng tôi.

    Xin chào bạn!  

     


Câu hỏi khác