Chi tiết tin

  • Về thể thức quyền hạn và chức vụ của người ký văn bản [25-01-2018]

    Ngày 24 tháng 01 năm 2018, Sở Nội vụ phát hành Công văn số 332/SNV-CCVTLT để trả lời Công văn số 47/P1-Đ2 không ghi ngày tháng 01 năm 2018 của Phòng Tham mưu thuộc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố về việc đề nghị hướng dẫn thể thức ghi chức vụ của người ký văn bản.

    Công văn trả lời có nội dung chủ yếu:

    1. Thể thức ghi quyền hạn và chức vụ của người ký thay

    Trường hợp cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố chưa bổ nhiệm Giám đốc và giao cấp phó phụ trách thì thể thức quyền hạn và chức vụ của người ký văn bản được thực hiện theo quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 12 Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

    a) Trường hợp ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì phải ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước chức vụ của người đứng đầu.

    b) Trường hợp cấp phó được giao phụ trách thì thực hiện như cấp phó ký thay cấp trưởng.

    c) Chức vụ ghi trên văn bản là chức vụ lãnh đạo chính thức của người ký văn bản trong cơ quan, tổ chức; không ghi những chức vụ mà Nhà nước không quy định như: cấp phó thường trực, cấp phó phụ trách, v.v…

    Như vậy, trường hợp Phó Giám đốc được giao phụ trách và các Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy ký văn bản thì có cùng thể thức quyền hạn ký thay theo quy định chung.

    2. Thể thức ký thừa lệnh, thừa ủy quyền

    Trường hợp Phó Giám đốc phụ trách giao thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan ký thừa lệnh, thừa ủy quyền thì thể thức ghi quyền hạn ký giống như thủ trưởng cơ quan giao ký thừa lệnh, thừa ủy quyền theo quy định chung. Khi đó, thể thức và kỹ thuật trình bày phải ghi chữ viết tắt “TL.” (thừa lệnh) vào trước chức vụ của người đứng đầu cơ quan, giao ký thừa ủy quyền thì phải ghi chữ viết tắt “TUQ.” (thừa ủy quyền) vào trước chức vụ của người đứng đầu cơ quan. 

    3. Về trình bày nội dung của dòng "thẩm quyền ban hành" trong các văn bản là Quyết định cá biệt của cơ quan

    Ở cơ quan làm việc theo chế độ thủ trưởng thì thẩm quyền ký tất cả các loại văn bản thuộc người đứng đầu. Cụ thể, về thẩm quyền ban hành quyết định của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thuộc người đứng đầu cơ quan là Giám đốc. 

    4. Tên cơ quan ban hành văn bản và sử dụng con dấu

    Tại Công văn số 47/P1-Đ2 do Phòng Tham mưu thuộc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy ký ban hành, đóng dấu Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy chưa phù hợp về thẩm quyền ban hành được quy định tại  Khoản 3, Điều 25 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư: “Những văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành phải đóng dấu của cơ quan, tổ chức; những văn bản do văn phòng hay đơn vị ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao phải đóng dấu của văn phòng hay dấu của đơn vị đó”.

    Trường hợp giao Phòng Tham mưu và các phòng khác thuộc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy ký ban hành văn bản, đóng dấu Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thì áp dụng trường hợp ký thừa lệnh hoặc thừa ủy quyền; thể thức tên cơ quan ban hành văn bản; số, ký hiệu văn bản của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, quyền hạn ký được áp dụng theo Mục 2 của Công văn này./.

    Mỹ Giang, Chuyên viên Phòng QLVTLT

    Tệp đính kèm

Lượt xem: 7893

Tin khác